- Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau khẳng định nội dung một số báo nêu “85% mật ong ở U Minh Hạ pha đường” là ý kiến chủ quan chứ không phải là kết quả kiểm tra, kết luận của ngành chức năng.
- “Đạo ăn ong”
+ Đã thành tập tục, cứ vào mùa lấy mật (dân miệt rừng gọi là ăn ong), tờ mờ sáng là người ăn ong xem từng đàn ong đi hút mật tràm, họ ngắm hướng về của chúng mà đi theo. Vì ong đi ăn theo hướng gió nên người ăn ong cũng nhắm hướng gió mà tìm. Từ đó, xuất hiện 2 từ “phong ngạn” để chỉ dân ăn ong. Sau này, những “tập đoàn” phong ngạn lần lượt hình thành. Dù là “tập đoàn” nào thì họ đều bảo đảm quy tắc ăn ong đã tồn tại thành luật bất thành văn: Không pha trộn mật dưới bất cứ hình thức nào... Với họ, đó là uy tín và danh dự của “đạo ăn ong”.
+ “Ai vi phạm “đạo ăn ong” sẽ bị loại vĩnh viễn” - ông Nguyễn Văn Rớt (Hai Rớt, ngụ xã Khánh Hòa, huyện U Minh; thâm niên 50 năm làm dân phong ngạn) khẳng định. Theo ông Hai Rớt, từ lâu mật ong U Minh nổi tiếng khắp vùng bởi ngon và bổ. Hồi xưa, mùa nắng, mật nhiều đến nỗi lấy rồi mang về không hết, phải đổ bớt.
+ Thế nhưng, của trời cũng không phải là vô tận, thợ rừng U Minh càng phải đi sâu hơn vào rừng mới tìm được nhiều mật, vừa vất vả vừa nguy hiểm. Thế là họ nghĩ ra cách dùng khúc cây dài gác xiên trên những thân tràm làm nơi cho ong xây tổ bên bìa rừng, rồi dần dà tiến sâu vào ruột rừng.
+ Ông Hai Rớt nhớ lại có lần ông gác 100 kèo, đến thời điểm lấy được 300-400 lít mật. Không có đồ chứa, cha con ông phải trải cao su lên xuồng rồi đổ mật lên. Thời điểm 1 lít mật đổi ngang 1 giạ lúa. Một mùa mật ngọt, một phong ngạn thu hoạch gấp nhiều lần một người trồng lúa.
Để bảo vệ rừng, người ăn ong ở U Minh Hạ không đốt đuốc tạo khói mà dùng rễ phụ từ cành của cây gừa phơi khô, đập dập mà đốt
Mật ong U Minh Hạ luôn bảo đảm uy tín, chất lượng
+ Mỗi nhóm thợ rừng đi ăn ong được gọi là đoàn. Các đoàn này tập hợp nhau lại thành tập đoàn khai thác mật ong. Mỗi thành viên trong tập đoàn được nhận một khu vực rừng để gác kèo và chịu luôn trách nhiệm bảo vệ rừng. Nếu rừng cháy ở khu vực nào sẽ rất dễ tìm ra ai là thủ phạm.
+ Để bảo vệ rừng, người ăn ong chuyên nghiệp không đốt đuốc tạo khói đuổi ong bằng xơ dừa hay cúi sậy như dân “ngoại đạo” mà dùng rễ phụ từ cành của cây gừa phơi khô, đập dập mà đốt. Khi ăn xong một tổ ong, phải lột vỏ tràm cột lại để tránh bay tàn đi nơi khác.
+ Các tập đoàn cụ thể hóa việc giữ rừng bằng những quy định như giờ đi ăn ong trong vòng 5-8 giờ sáng. Nếu vì lý do nào đó ra khỏi rừng trễ thì thành viên đó phải chịu sự kiểm tra ngay tại mé rừng. Khi tổ kiểm tra kết luận rừng không cháy, người này mới được cho về.
+ Ngoài ra, dân phong ngạn tuyệt đối không được bán mật ong pha, không được ăn ong trộm và thăm “nhầm” kèo của người khác. Nếu thành viên nào vi phạm một trong các điều trên thì bị tịch thu đầu kèo, cho ăn ong lần cuối cùng để làm vốn, sau đó bị trục xuất khỏi tập đoàn vĩnh viễn. Đối với phong ngạn, hình phạt đó là cái nhục lớn nên những ai lỡ vi phạm, thường bỏ xứ ra đi không quay lại vùng rừng đó nữa.
- Ngu mới đi bán uy tín!
+ Mỗi năm, sản lượng mật khai thác dưới tán rừng tràm U Minh Hạ lên đến hàng chục ngàn lít nhưng vẫn không đủ tiêu thụ trên thị trường. Hơn nữa, với việc được công nhận nhãn hiệu tập thể, uy tín thương hiệu mật ong U Minh Hạ ngày càng bay xa, giá trị mật ong được nâng lên, nông dân có mức thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm nhờ thu hoạch mật ong thiên nhiên. “Vậy thử hỏi tụi tôi có ngu không mà đi bán uy tín của mình bằng cách pha đường. Làm vậy là tự đập nồi cơm của mình rồi còn gì” - ông Hai Rớt chia sẻ.
+ Theo thống kê, hiện rừng tràm U Minh Hạ có gần 1.000 hộ làm nghề gác kèo ong. Ông Nguyễn Văn Vững - Tập đoàn trưởng Tập đoàn Khai thác mật ong 19 tháng 5, huyện U Minh - cho biết để bảo đảm uy tín thương hiệu, tập đoàn xây dựng quy chế rất nghiêm ngặt, như không được khai thác tổ ong non, mật ong sau khi khai thác phải để nguyên chất đem bán. “Nếu phát hiện thành viên nào pha chế hoặc làm giả thì sẽ đuổi ra khỏi tập đoàn” - ông Vững nhấn mạnh.
+ Ông Dương Minh Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh, cho hay là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể mật ong U Minh Hạ, Hội Nông dân huyện tiến hành khảo sát tìm hiểu nhu cầu đăng ký mở đại lý tiêu thụ sản phẩm mật ong để cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể mật ong U Minh Hạ cho các tập thể, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định.
+ “Để bảo đảm chất lượng, chúng tôi thành lập đoàn kiểm tra lấy mẫu kiểm định định kỳ; xây dựng các hình thức chế tài mạnh đối với những đại lý vi phạm việc thu mật giả, mật kém chất lượng. Ngoài ra, các đại lý và tập thể được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu phải tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng” - ông Đoàn thông tin.
+ Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết ngành chức năng đã xây dựng quy chế quản lý nhãn hiệu tập thể mật ong U Minh Hạ. “Sự sống còn của thương hiệu mật ong U Minh Hạ trong tương lai phụ thuộc vào yếu tố liên kết chặt chẽ trong sản xuất, làm ăn minh bạch, bảo đảm chữ tín của các tập đoàn, thợ làm nghề gác kèo ong ở rừng tràm U Minh. Theo đó, việc tạo chỗ đứng lâu dài cho thương hiệu mật ong U Minh Hạ là điều mọi người đang hướng tới” - ông Hiếu nói.